TIN TỨC
Khẳng định vị thế Đắk Lắk qua Lễ hội
Sau gần 1 tuần diễn ra tưng bừng, náo nhiệt, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 đã khép lại với nhiều ấn tượng tốt đẹp về một vùng đất giàu tiềm năng, đậm đà bản sắc và hiếu khách.

Những con số ấn tượng

Với 12 hoạt động chính diễn ra ở TP. Buôn Ma Thuột, huyện Lắk và Buôn Đôn từ ngày 8-3 đến 13-3-2017, Lễ hội đã tạo được dấu ấn và bản sắc riêng, thu hút khoảng 25.000 lượt du khách, trong đó có 3.000 du khách quốc tế; đặc biệt có 34 đoàn đại biểu quốc tế đến dự Lễ hội. Còn tại Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành Cà phê, con số này lên đến 350.000 lượt khách tham quan cùng với hàng trăm biên bản ghi nhớ hợp tác của doanh nghiệp tham gia hội chợ và trên 30 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các doanh nghiệp trong ngành cà phê được ký kết. Đây được coi là tín hiệu đáng mừng, mở ra mối quan hệ giao thương cho người sản xuất, kinh doanh, chế biến cà phê của tỉnh, góp phần bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, nâng cao giá trị Cà phê Buôn Ma Thuột. Có thể khẳng định, cùng với các hoạt động khác của Lễ hội Cà phê, Hội chợ - Triển lãm được tổ chức là cơ hội và góp phần để ngành cà phê Đắk Lắk – Tây Nguyên nói riêng,Việt Nam nói chung ngày càng phát triển mạnh mẽ và khẳng định được vị thế, thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Nguyễn Hải Ninh và đại biểu tham quan các gian hàng tại Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành Cà phê.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Nguyễn Hải Ninh và đại biểu tham quan các gian hàng tại Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành Cà phê.

Một trong những con số đặc biệt ấn tượng, mang lại nhiều triển vọng mới trong phát triển kinh tế xã hội của khu vực Tây Nguyên đó là tại Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên lần thứ 4 đã chứng kiến sự cam kết đầu tư vào khu vực này với số vốn kỷ lục trên 100.000 tỷ đồng, gấp 6 lần vốn đầu tư cam kết tại Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên lần thứ 3 năm 2015 được tổ chức tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng). Riêng Đắk Lắk, tổng vốn đầu tư cam kết lên đến trên 82.000 tỷ đồng với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư như: Vingroup, Sungroup, Hoàng Anh Gia Lai, Vinamilk, các nhà đầu tư nước ngoài như: Solarpark Global I&D (Hàn Quốc), Tập đoàn AES  (Hoa Kỳ)...

Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên với 6 nội dung chính, đã thu hút gần 600 nghệ nhân, nghệ sĩ trong và ngoài nước biểu diễn, mang lại nhiều sản phẩm nghệ thuật có giá trị cao, góp phần nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát huy giá trị Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Lễ hội của người dân và du khách

Trong buổi họp báo tại TP. Buôn Ma Thuột trước khi diễn ra Lễ hội, một nhà báo đã đặt câu hỏi với đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội rằng, làm thế nào để tránh tình trạng người dân trong tỉnh thờ ơ với lễ hội như đã từng xảy ra ở nhiều lễ hội khác? Đây không chỉ là băn khoăn của nhà báo, mà cũng là điều quan tâm của Ban tổ chức. Thế nhưng, khi khai hội với những sự kiện, nhất là những sự kiện mang tính chất "mở" như: Lễ khai mạc, bế mạc; Lễ hội đường phố; Phục dựng nghi lễ truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; Lễ hội đua voi và đua thuyền độc mộc... thì những băn khoăn, trăn trở ấy đã tìm được câu trả lời xác đáng.

Lễ hội đường phố rực rỡ sắc màu cuốn hút người xem.
Lễ hội đường phố rực rỡ sắc màu cuốn hút người xem.

Có thể nói chưa có lần tổ chức nào, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lại thu hút đông đảo người dân và du khách như lần này. Tại Lễ khai mạc, “biển người” khắp mọi ngả đường đổ về Quảng trường 10-3 báo hiệu cho một mùa Lễ hội sôi nổi. Trước đó, Lễ hội đường phố cũng đã chứng tỏ đây là Lễ hội đường phố thành công nhất trong các kỳ tổ chức trước đây. Một lễ hội tràn đầy cảm xúc của âm thanh, màu sắc và quan trọng nhất là đã cuốn hút người xem vào dòng chảy của lễ hội. Trong khi đó, Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê cũng đã đáp ứng được nhu cầu tham quan, mua sắm, tìm hiểu kiến thức… của hàng chục nghìn lượt khách và thực sự trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp với người nông dân. Tại các buổi phục dựng nghi lễ truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, không khó để bắt gặp cảnh du khách thích thú hòa chung điệu chiêng, nhịp xoang của các đoàn nghệ nhân. Đó là sự thành công của việc mang những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Tây Nguyên đến gần hơn với công chúng như mục đích ban đầu đề ra. Trong khi đó, Lễ hội đua voi và đua thuyền độc mộc Hồ Lắk tuy chưa đáp ứng được mong mỏi cho tất cả người dân và du khách, nhưng những nét độc đáo của sự kiện này cũng đã phần nào mang lại những trải nghiệm thú vị. Có thể nói, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 đã thực sự là lễ hội của người dân và du khách.

Nâng tầm vị thế của “thủ phủ” cà phê

Như tên gọi của chủ đề Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 là Hội tụ tinh hoa - Phát huy bản sắc - Liên kết phát triển, có thể khẳng định đây là một kỳ lễ hội đầy cảm xúc, mang những cảm nhận tốt đẹp về một vùng đất hội tụ tinh hoa của đất trời và vạn vật. Tiếng cồng, chiêng như thúc giục mời gọi, hãy đến với Tây Nguyên, với Đắk Lắk để được hòa mình vào những không gian văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Êđê, M’nông, J’rai, Ba Na... tận hưởng hương sắc cà phê giữa điệp trùng đồi núi.

Với người Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, cà phê là linh hồn của đất, là nguồn sinh kế, gắn bó mật thiết của hàng triệu người nông dân. Trải qua quá trình hơn 100 năm phát triển, cà phê nơi đây đã có những bước tiến vượt bậc, đóng góp hơn 90% sản lượng cà phê của cả nước và góp phần chính yếu cho ngành cà phê Việt Nam hơn 10 năm qua giữ vững vị trí sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới. Ngành cà phê đã phát huy được sứ mệnh qua từng thời kỳ phát triển. Lễ hội lần này tiếp tục khẳng định vị thế của cà phê trong thời kỳ mới – thời kỳ tập trung nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững trên nhiều mặt: kinh tế, xã hội, môi trường và tạo sức lan tỏa. Cà phê Buôn Ma Thuột với không gian văn hóa đặc trưng đã tạo nên nét độc đáo, khác biệt. Văn hóa thưởng thức cà phê hòa cùng không gian văn hóa cồng chiêng tạo nên sự tương tác hoàn mỹ, có sức hấp dẫn mạnh mẽ. Cà phê Buôn Ma Thuột hôm nay với sứ mệnh mới không chỉ góp phần “cất cánh”  một vùng đất mà còn là “đại sứ ngoại giao” kết nối trái tim, khối óc của những người yêu cà phê trên khắp thế giới. Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk – Thủ phủ Cà phê Việt Nam, đang nỗ lực trở thành một trong những địa danh thưởng lãm cà phê độc đáo bậc nhất thế giới. Như lời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ khai mạc Lễ hội: “Hạt cà phê nơi đây không chỉ là một sản phẩm tiêu biểu của nền nông nghiệp đất đỏ bazan mà đã thực sự trở thành biểu tượng tuyệt vời về sự quyến rũ, nét đẹp độc đáo của vùng đất được xưng tụng là nóc nhà Đông Dương. Hạt cà phê giúp gắn kết tình yêu, tình bạn không chỉ giữa những người Việt Nam trên khắp mọi miền mà cả bạn bè quốc tế đến với Tây Nguyên. Hãy để chủ đề Hội tụ tinh hoa – Phát huy bản sắc - Liên kết phát triển không chỉ dừng lại là khẩu hiệu, trở thành kim chỉ nam trong chiến lược hành động để thương hiệu cà phê Tây Nguyên lan tỏa khắp thế giới và đạt được vị thế tương xứng”.

Lê Hương- Giang Nam (Theo Báo Đắk Lắk)

Thành phố Buôn Ma Thuột
29oC
Độ ẩm: 84%C
Tốc độ gió: 12 km/hkm/h
v
Công ty Cổ Phần Đô thị & Môi trường Đắk Lắk
Địa chỉ : 01 Đào Duy Từ - P.Thống Nhất - TP.Buôn Ma Thuột - Tỉnh Đắk Lắk
Điện thoại : 05003.816886 - 05003.856522 . Fax : 05003.816886 - 05003.856522
Email : vipsmubmt@dng.vnn.vn
Công ty cổ phần Đô thị & Môi trường Đắk Lắk
Địa chỉ : 01 Đào Duy Từ - P.Thống Nhất - TP.Buôn Ma Thuột - Tỉnh Đắk Lắk
Điện thoại : 0262.3816886 - Fax: 0262.3816886
Email : dakurenco@moitruongdothidaklak.com.vn
Hotline1: 0849.890.333
Hotline 2: 0845.814.333
Hot line 3: 0847.401.222
Trung tâm Công nghệ & Dịch vụ Nội dung - VNPT Đắk Lắk