TIN TỨC
Hợp tác vì trách nhiệm của mỗi quốc gia với môi trường chung trong khu vực
Sau 04 ngày làm việc tích cực, hiệu quả, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường các nước ASEAN lần thứ 13 và các Hội nghị liên quan đã khép lại với nhiều kết quả có tính chiến lược, ảnh hướng sâu, rộng đến công tác bảo vệ môi trường tại các nước thành viên cũng như các đối tác.
Chuỗi các Hội nghị diễn ra trong 04 ngày kể từ ngày 26 đến ngày 29/10/2015.
Mở đầu và để chuẩn bị cho các Hội nghị quan trọng sau đó, Hội nghị quan chức cao cấp ASEAN về môi trường (SOM) được khai mạc vào sáng ngày 26/10/2015. Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài chủ trì Hội nghị.

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài chủ trì Hội nghị

Tại Hội nghị quan chức cao cấp ASEAN về môi trường, các đại biểu đã thảo luận và hoàn thiện các văn kiện quan trọng của ASEAN để trình AMME13 xem xét, thông qua, bao gồm: dự thảo Tuyên bố chung ASEAN về biến đổi khí hậu tại COP 21; dự thảo Tuyên bố ASEAN về Môi trường bền vững; Chương trình biến đổi khí hậu và Chương trình Nghị sự Truyền thông về kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Môi trường lần thứ 13; Hội nghị lần thứ 11 của các bên về Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới dự và phát biểu chào mừng tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường các nước Đông Nam Á
Lễ Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13 (AMME13) được tổ chức trọng thể vào chiều ngày 28/10/2015. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang khai mạc Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang phát biểu khai mạc Hội nghị

Hội nghị vinh dự được Ngài Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tới dự và phát biểu chào mừng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chào mừng tại Hội nghị
 
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao công tác hợp tác bảo vệ môi trường trong khu vực ASEAN với những kết quả rất tích cực. Hợp tác về bảo vệ môi trường với các đối tác trong khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS) và Liên minh Châu Âu (EU) không ngừng được tăng cường. Thủ tướng tin tưởng các nước ASEAN, các đối tác ASEAN+3, cộng đồng quốc tế sẽ có những định hướng, chương trình, kế hoạch hợp tác cụ thể, thiết thực nhằm đảm bảo bền vững môi trường, ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu cho toàn khu vực và thế giới trong tương lai.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh cảnh báo rất nghiêm khắc của các chuyên gia môi trường quốc tế: “Trong 10 năm tới, GDP của Việt Nam có thể tăng gấp đôi, nhưng nếu không quan tâm đúng mức công tác bảo vệ môi trường, tính trung bình cứ tăng 1% GDP thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi khoảng 3% GDP”. Và giải pháp của Việt Nam trong giai đoạn tới là: “Trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam coi bảo vệ môi trường là nội dung quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển xanh và hướng tới người dân - phát triển bền vững và bảo vệ sức khỏe, thể chất của nhân dân”.
Kết thúc bài phát biểu chào mừng, Thủ tướng gửi lời cảm ơn và mong muốn các quốc gia thành viên ASEAN, các đối tác của ASEAN, cộng đồng quốc tế tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam hiệu quả hơn nữa, đồng thời, Việt Nam sẵn sàng hợp tác, đóng góp tích cực để cùng ASEAN, các nước đối tác và cộng đồng quốc tế chung tay giữ gìn môi trường của khu vực và thế giới mãi xanh.
 
Thông qua những nội dung quan trọng vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng cho toàn khối ASEAN
Tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường các nước ASEAN lần thứ 13 (AMME13), Trưởng phái đoàn các nước thành viên ASEAN đã cùng nhau đánh giá tình hình thực hiện các thỏa thuận hợp tác về môi trường trong khu vực kể từ hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 12,  thảo luận về nội dung hợp tác mới và đồng thời kiến nghị, đề xuất giải pháp thúc đẩy các hoạt động hợp tác ASEAN về môi trường trong thời gian tới. Đặc biệt là cho giai đoạn sau năm 2015, khi Cộng đồng ASEAN được hình thành.
Thay mặt phái đoàn của Việt Nam, Thứ trưởng Trần Hồng Hà đề xuất xây dựng Tuyên bố chương trình nghị sự ASEAN về bền vững môi trường và biến đổi khí hậu giai đoạn sau năm 2015 để các nước xem xét thông qua, trình Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 sẽ được tổ chức vào tháng 11 tại Kuala Lumpur. Tuyên bố chung này được xây dựng nhằm thúc đẩy thực hiện hợp tác môi trường ASEAN một cách toàn diện sau năm 2015. Một loạt các vấn đề môi trường sẽ được đề cập đến như: cam kết chung của ASEAN để đảm bảo tính gắn kết, minh bạch, liên tục và hiệu quả; việc triển khai Kế hoạch tổng thể Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN nhằm hướng tới một Cộng đồng ASEAN xanh và sạch; Chương trình ASEAN về Quản lý bền vững Hệ sinh thái Đất than bùn (2014 - 2020),  Hiệp định ASEAN về Ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, Kế hoạch chiến lược về Đa dạng sinh học giai đoạn 2011 - 2020 và Mục tiêu Aichi về Đa dạng sinh học, Quản lý tổng hợp tài nguyên nước.

Thứ trưởng Trần Hồng Hà cùng Đoàn Việt Nam tham dự AMME13
 
Tiếp đó, Hội nghị đã được nghe Chủ tịch Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về môi trường Nguyễn Văn Tài trình bày và thống nhất thông qua báo cáo kết quả đạt được của Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về môi trường.
Hội nghị cũng thảo luận và đi đến thống nhất các vấn đề như: nhất trí đề cử Tượng đài tự nhiên Timpoong Hibok-Hibok của Phi-lip-pin và Vườn quốc gia Way Kambas của In-đô-nê-xi-a là hai vườn di sản ASEAN, thông qua Khung chỉ số quan trắc tài nguyên nước, thảo luận về Chiến lược hợp tác giữa ASEAN và các nước đối tác, về các vấn đề liên quan đến Cộng đồng ASEAN giai đoạn sau năm 2015,...
Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang mong rằng với sự hợp tác, quyết tâm, nỗ lực và trách nhiệm của các quốc gia thành viên, các hoạt động bảo vệ môi trường trong khu vực ASEAN nói riêng và trên toàn thế giới nói chung sẽ ngày càng đạt hiệu quả cao.
 
Thống nhất hành động, hướng tới một ASEAN không ô nhiễm khói mù
Tại Hội nghị, Bộ trưởng, Trưởng đoàn các nước ASEAN thống nhất với dự báo của Trung tâm Khí tượng ASEAN rằng những ảnh hưởng nghiêm trọng của El-Nino sẽ còn kéo dài tới đầu năm 2016. Các điểm nóng về cháy nổ có khả năng gia tăng trong mùa khô của tháng 11 và tháng 12 năm 2015 tại phía Bắc Đông Nam Á. Các quốc gia thành viên ASEAN cam kết sẽ duy trì các phương án, biện pháp giám sát và giảm thiểu ô nhiễm khói mù trong điều kiện El-Nino ảnh hưởng mạnh như hiện nay.
Trên cơ sở đó, Hội nghị đã khẳng định cam kết đảm bảo đạt được mục tiêu và duy trì các nguyên tắc của Hiệp định ASEAN về kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới và thống nhất từng bước hợp tác để thực hiện Hiệp định đạt hiệu quả cao nhất. Hội nghị nhấn mạnh, cần khuyến khích hợp tác song phương và đa phương giữa các các quốc gia thành viên ASEAN.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát

Các Bộ trưởng, Trưởng đoàn các nước ASEAN khuyến cáo các quốc gia thành viên ASEAN cần rà soát lại kế hoạch hành động quốc gia (POA) nhằm kiểm soát nguyên nhân cháy rừng và các loại hình cháy khác gây ra ô nhiễm khói mù trong khu vực. Hội nghị cũng đề nghị các nước ASEAN cam kết xây dựng một Lộ trình ASEAN không ô nhiễm khói mù và khung thời gian rõ ràng để các nước thành viên đạt được mục tiêu này vào năm 2020.
Hội nghị đã thống nhất ban hành nhiều văn kiện quan trọng như: Hướng dẫn thực hiện giám sát, đánh giá và phối hợp ứng phó với các trường hợp khẩn cấp trong khuôn khổ Hiệp định ASEAN về kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, cũng như trong các tài liệu tại COP-10 về các Cấp độ cảnh báo, Điểm nguy cơ và Kế hoạch hành động trong phòng chống cháy. Hội nghị kêu gọi các quốc gia thành viên cùng nhau hành động để ngăn chặn sự tái diễn tình trạng ô nhiễm khói mù xuyên biên giới.
Ngoài ra, các Bộ trưởng, Trưởng đoàn các nước còn thông qua việc xây dựng Trung tâm Điều phối ASEAN về Kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới (Trung tâm AHA) tại Indonesia. Các Bộ trưởng, Trưởng đoàn các nước kêu gọi các quốc gia thành viên ASEAN sử dụng các cơ chế trong khuôn khổ AATHP huy động Ủy ban cố vấn ASEAN về Đánh giá và Điều phối PCCC và khói mù để đánh giá tình trạng PCCC trên thực địa và đề xuất các hỗ trợ PCCC cần thiết từ bên ngoài. Các quốc gia thành viên ASEAN cần đóng góp vào Quỹ Kiểm soát Ô nhiễm Khói mù xuyên biên giới ASEAN với số kinh phí ban đầu là 500.000 USD, ngoài ra, còn khuyến khích sự đóng góp của các đối tác khác vào Quỹ.
Năm 2016, các Bộ trưởng về Môi trường sẽ nhóm họp tại Malaysia trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 12 Ủy ban thường trực của Hiệp định ASEAN về Kiểm soát Ô nhiễm khói mù xuyên biên giới (COP-12).
 
ASEAN+3: Hướng tới sự hợp tác sâu rộng và bền vững hơn trong tương lai
Để tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác và đưa ra các hoạt động cụ thể cần phải thực thi trong thời gian sắp tới, các nước thành viên ASEAN rất cần sự hỗ trợ từ phía các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc - những nước đã góp phần đáng kể để ASEAN có thể giải quyết các thách thức môi trường trong khu vực.
“Những vấn đề môi trường ngày càng đòi hỏi các quốc gia phải dành sự quan tâm nhiều hơn nữa để đưa ra các hành động chung nhằm giảm thiểu các tác động, đồng thời tăng cường mối quan hệ hợp tác chặt chẽ về môi trường giữa các nước ASEAN+3, đặc biệt là những hành động khẩn cấp để giải quyết các vấn đề mới nổi hiện nay trong khu vực” - Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định.
Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng phái đoàn các nước ASEAN đều thống nhất rằng cho đến nay, hợp tác ASEAN+3 về môi trường đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, khẳng định những nỗ lực to lớn của các nước thành viên ASEAN và đặc biệt là sự giúp đỡ quý báu, thiết thực của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Toàn cảnh Hội nghị ASEAN+3

Phái đoàn Trung Quốc luôn đánh giá cao và mong muốn tiếp tục hợp tác với ASEAN về môi trường đảm bảo phát triển bền vững khu vực và toàn thế giới, tạo nên tương lai tươi sáng hơn.
Phía Nhật Bản hoan nghênh những đóng góp tích cực của các nước thành viên ASEAN để hình thành Hiệp định của thế giới về biến đổi khí hậu trước và sau năm 2020. Trong thời gian tới, Nhật Bản mong muốn hợp tác hiệu quả hơn nữa trong ASEAN+3, cùng nhau bảo vệ môi trường trong khu vực Đông Á.
Hội nghị cũng vui mừng với sự thành công của Chương trình các thành phố kiểu mẫu bền vững về môi trường ASEAN do Nhật Bản khởi xướng và hỗ trợ trong suốt 2 năm qua và khuyến khích sự hợp tác tiếp theo giữa ASEAN - Nhật Bản trong năm thứ 3 thực hiện Chương trình này.
Các đại biểu cũng đánh giá cao sự giúp đỡ to lớn từ phía Hàn Quốc thông qua các dự án về Phục hồi hệ sinh thái rừng bị suy thoái tại các vùng nhiệt đới ở khu vực ASEAN và dự án về tăng cường năng lực đối với kiểm kê bảo tồn đa dạng sinh học trong khu vực ASEAN.
Những sáng kiến và hành động kịp thời nhằm thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc để giải quyết các vấn đề môi trường trong khu vực được các đại biểu ghi nhận.
Thế giới đang thay đổi và đặt ra những yêu cầu mới đối với tất cả các quốc gia. Những mặt trái của đô thị hóa, công nghiệp hóa và khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên vẫn là vấn đề nóng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Do đó, để giải quyết các vấn đề này, ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cam kết sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác, hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, coi việc đầu tư cải thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng và năng lượng xanh, tăng cường nhận thức về môi trường là các giải pháp chính, quan trọng và mang tính chiến lược; tăng cường nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ môi trường, hình thành thói quen thân thiện với môi trường và xây dựng văn hóa môi trường để góp phần đạt được mục tiêu chung, giấc mơ chung về một hành tinh xanh và sạch thông qua hàng loạt các hành động khác nhau, góp phần hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng chung ASEAN vào cuối năm 2015.
 
Tại buổi Họp báo diễn ra vào cuối buổi chiều cùng ngày, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Hồng Hà, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài đã công bố chín hoạt động đã được các nước ASEAN và đối tác thống nhất.
 
1. Thông qua Tuyên bố chung ASEAN về Biến đổi khí hậu năm 2015 tại Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 21, đệ trình lên Chủ tịch Hội đồng Cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN (ASCC) để sau đó trình lên Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27 vào tháng 11 năm 2015 để  thông qua.
2. Các nước ASEAN ghi nhận và đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam về việc xây dựng dự thảo Tuyên bố ASEAN về Chương trình nghị sự Bền vững Môi trường và Biến đổi khí hậu sau 2015. Tuyên bố được Việt Nam đề xuất nhằm nhấn mạnh cam kết của các nhà lãnh đạo và khoanh vùng các thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu hiện hữu và đang nổi lên của ASEAN cần phải được giải quyết nhằm đạt được các mục tiêu của Tầm nhìn sau 2015 và trong bối cảnh phát triển toàn cầu hiện nay.  Các nước ASEAN đã nhất trí với dự thảo Tuyên bố ASEAN về Chương trình nghị sự Bền vững môi trường và Biến đổi khí hậu sau năm 2015 (do Việt Nam đề xuất sáng kiến) và đề nghị trình lên Chủ tịch Hội đồng Cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN (ASCC) để sau đó trình lên Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27 vào tháng 11 năm 2015 để  thông qua.
3. Đã xem xét và nhất trí với dự thảo Chiến lược ASEAN - Trung Quốc về Hợp tác môi trường giai đoạn 2016 - 2020.
4. Thông qua việc lựa chọn kỳ quan thiên nhiên Núi Timpoong Hibok-Hibok (Philippines) và Vườn Quốc gia Way Kambas là Vườn Di sản ASEAN theo thứ tự là 36 và 37. Việt Nam sẽ đề cử Vườn Quốc gia Bái Tử Long là Vườn di sản ASEAN mới và sẽ trình các tài liệu đề cử cần thiết theo các tiêu chí và hướng dẫn của Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) về Vườn di sản ASEAN.
5. Phê chuẩn Khung Tiêu chí giám sát thực hiện quản lý tổng hợp (IWRM) và giao ASOEN phối hợp với Nhóm công tác ASEAN về Quản lý tài nguyên nước (AWGWRM) lập kế hoạch và xây dựng các hoạt động hỗ trợ để triển khai Khung chỉ số giám sát thực hiện IWRM.
6. Hội nghị đã ghi nhận: (i) những bước tiến trong các vấn đề liên quan đến Cộng đồng ASEAN sau 2015; (ii) hỗ trợ xây dựng Kế hoạch hành động chiến lược ASEAN về Hợp tác môi trường (ASPAPEC), Báo cáo hiện trạng môi trường ASEAN lần thứ 5, và Chương trình công tác ASEAN-UN về Môi trường và Biến đối khí hậu sau 2015; và (iii) thông qua các hành động được đề xuất tiếp theo về rà soát các cơ quan ASEAN: Hội nghị Bộ trưởng môi trường ASEAN sẽ được tổ chức hai năm một lần. Hội nghị Bộ trưởng môi trường ASEAN+3 sẽ được tổ chức liền kề với Hội nghị Bộ trưởng môi trường ASEAN, Hội nghị các bên tham gia Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới sẽ được tổ chức hàng năm.
7. Hội nghị hoan nghênh sự tham gia của Ban thư ký ASEAN tại Phiên cấp cao Hội nghị Biến đổi khí hậu Paris. Tổng thư ký ASEAN sẽ có bài trình bày ngắn gọn. Malaysia trên cương vị Chủ tịch ASEAN sẽ thay mặt các nước thành viên ASEAN đọc Tuyên bố chung ASEAN về Biến đổi khí hậu 2015 tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 21 (UNFCCC COP21).
8. Hội nghị cũng đánh giá các chương trình hợp tác với các nước đối thoại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, cụ thể là chương trình các nhà lãnhđạo ASEAN+3 lần thứ 8 về sản xuất và tiêu dùng bền vững, thực hiện các hướng dẫn chiến lược quản lý tổng hợp tài nguyên nước ASEAN. Đối với hợp tác ASEAN-Trung Quốc: Tổng hợp và đánh giá tình hình thực hiện chiến lược hợp tác ASEAN-Trung Quốc về môi trường; Xây dựng chiến lược hợp tác ASEAN-Trung Quốc về môi trường 2016-2020. Đối với hợp tác ASEAN –Nhật Bản: Triển khai Chương trình hợp tác các thành phố kiểu mẫu bền vững về môi trường (năm thứ 2) và các hỗ trợ tiếp theo đối với các thành phố bền vững về môi trường (Nhật Bản); Triển khai dự án Tăng cường năng lực phân loại về rêu, dương xỉ và các loài côn trùng quan trọng có giá trị kinh tế (Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN); Triển khai dự án Phát triển các vườn Di sản ASEAN thông qua tăng cường năng lực và chia sẻ thông tin (Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN). Đối với hợp tác ASEAN-Hàn Quốc: Triển khai dự án hợp tác ASEAN-Hàn Quốc về phục hồi hệ sinh thái rừng bị suy thoái tại các vùng nhiệt đới của ASEAN; Triển khai dự án Kiểm kê đa dạng sinh học tại khu vực ASEAN; Triển khai việc hợp tác Giáo dục về phát triển bền vững.
9. Hội nghị Bộ trưởng môi trường ASEAN lần thứ 14 và Hội nghị Bộ trưởng môi trường ASEAN+3 lần thứ 15 sẽ được tổ chức tại Brunei Darussallam vào năm 2017.
Có thể thấy rằng, thông qua Tuyên bố chung này, cộng đồng ASEAN một lần nữa thể hiện sự quyết tâm, đồng lòng hợp tác nhằm đạt được các mục tiêu chung của toàn nhân loại tại Chương trình nghị sự phát triển sau 2015 và Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, hướng tới việc đem lại sự phát triển bền vững và thịnh vượng cho toàn khối ASEAN cũng như khu vực Đông Á.
Theo vea.gov.vn
Thành phố Buôn Ma Thuột
27oC
Độ ẩm: 82%C
Tốc độ gió: 12 km/hkm/h
v
Công ty Cổ Phần Đô thị & Môi trường Đắk Lắk
Địa chỉ : 01 Đào Duy Từ - P.Thống Nhất - TP.Buôn Ma Thuột - Tỉnh Đắk Lắk
Điện thoại : 05003.816886 - 05003.856522 . Fax : 05003.816886 - 05003.856522
Email : vipsmubmt@dng.vnn.vn
Công ty cổ phần Đô thị & Môi trường Đắk Lắk
Địa chỉ : 01 Đào Duy Từ - P.Thống Nhất - TP.Buôn Ma Thuột - Tỉnh Đắk Lắk
Điện thoại : 0262.3816886 - Fax: 0262.3816886
Email : dakurenco@moitruongdothidaklak.com.vn
Hotline1: 0849.890.333
Hotline 2: 0845.814.333
Hot line 3: 0847.401.222
Trung tâm Công nghệ & Dịch vụ Nội dung - VNPT Đắk Lắk