TIN TỨC
Khánh thành Hệ thống xử lý nước mưa thành nước uống trực tiếp
Sáng nay 27.3,Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, trường Đại học Xây dựng long trọng tổ chức lễ khánh thành Hệ thống xử lý nước mưa thành nước uống trực tiếp “H.O.P.S” và Lễ ký kết dự án “S.I.R” do KOICA tài trợ.
Tham dự lễ khánh thành có Lãnh đạo Trường ĐHXD(NUCE), Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường(IESE) ,trường Đại học Quốc gia Seoul(SNU), Hàn Quốc,Công ty KOICA/KEITI và đại diện một số phòng ban,các Thầy cô giáo cùng đông đảo các sinh viên đến từ hai trường NUCE,SNU.
 

Phát biểu khai mạc buổi lễ, GS.TS Phan Quang Minh đã ghi nhận và đánh giá cao sự hợp tác rất ý nghĩa giữa hai trường về việc nghiên cứu, ứng dụng các mô hình thu gom, xử lý và tái sử dụng nước mưa để cấp nước sinh hoạt và giảm thiểu úng ngập trong đô thị. Và mong rằng dự án “S.I.R” vừa ký kết giữa hai trường hôm nay tiếp tục gặt hái nhiều thành công không chỉ triển khai ở các đô thị lớn như Hà Nội,Thành phố Hồ Chí Minh,mà còn mở rộng ra cả các vùng nông thôn và miền núi…

Dưới đây là nội dung của dựa án “H.O.P.S” – Dự án hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc nghiên cứu, ứng dụng các mô hình thu gom, xử lý và tái sử dụng nước mưa để cấp nước sinh hoạt và giảm thiểu úng ngập trong đô thị

Hiện nay, tại các thành phố lớn tại Việt Nam như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tốc độ đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ khá cao dẫn đến sự tăng dân số tại các đô thị. Đô thị hóa và dân số tăng gây áp lực lên hệ thống hạ tầng của các thành phố trong đó có hệ thống cấp nước cũng như nguồn cung cấp nước. Theo Hội Cấp thoát nước Việt Nam, lượng nước khai thác sử dụng cho các đô thị hiện nay khoảng 6 triệu mét khối/năm, trong đó khoảng 30% nguồn nước cung cấp cho các đô thị được khai thác từ nguồn nước ngầm. Sự khai thác nước ngầm với cường độ lớn tại các đô thị đã dẫn đến tình trạng suy thoái, cạn kiệt, chất lượng nguồn nước ngầm cũng ngày càng suy giảm. Nguồn nước mặt cung cấp cho các đô thị cũng ngày càng khan hiếm, và đặc biệt là ngày càng bị ô nhiễm bởi các loại chất thải khác nhau, gây nhiều hiểm họa cho sức khỏe người sử dụng. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng cũng làm gia tăng áp lực lên hệ thống thoát nước tại các đô thị, đặc biệt là vào mùa mưa, do lượng nước mưa đổ về các tuyến cống quá lớn, dễ dẫn tới sự quá tải, gây úng ngập.

Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, trường Đại học Xây dựng đã tiến hành các nghiên cứu hướng tới các giải pháp thoát nước đô thị bền vững, theo phương thức quản lý tổng hợp nguồn nước, áp dụng các giải pháp kỹ thuật và quản lý để giải quyết các vấn đề trên. Trong chu trình tuần tuần hoàn của nước, nước mưa đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nước bốc hơi từ biển, hồ, mặt đất, cây cỏ lên trên cao, gặp không khí lạnh tạo thành mưa rơi xuống mặt đất, thấm xuống nguồn nước ngầm hoặc lưu lại sông, hồ và cung cấp cho hoạt động của con người. Nếu quản lý tốt nguồn nước mưa, chúng ta sẽ có một lượng nước quý báu để bổ sung cho nguồn nước ngầm, tiết kiệm nước phải khai thác từ các dòng sông và trừ trong lòng đất, đồng thời giảm úng ngập do tránh được nước mưa tập trung nhanh trong thành phố.

Từ năm 2010, Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, trường Đại học Xây dựng và Trung tâm Nước mưa, trường Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc đã hợp tác thực hiện đề tài nghiên cứu ”Thử nghiệm thu gom, xử lý và tái sử dụng nước mưa trong đô thị’’ (Chủ trì nhóm nghiên cứu: GS. TS. Mooyoung Han, ĐHQG Seoul, Hàn Quốc và PGS. TS. Nguyễn Việt Anh, ĐH Xây dựng Hà Nội). Nước mưa được thu gom từ mái một số tòa nhà trong khuôn viên trường Đại học Xây dựng, với diện tích thu gom xấp xỉ 800 m2, sau đó chảy theo các đường ống dẫn vào các bể chứa. Hệ thống gồm các công trình và thiết bị như các đường ống thu và dẫn nước mưa, thiết bị tách nước mưa đợt đầu, bể chứa nước mưa, hệ thống xử lý nước mưa bằng công nghệ màng vi lọc (MF), mạng lưới đường ống phân phối nước tới các vòi uống nước trực tiếp. Màng vi lọc của hệ thống xử lý nước mưa được tài trợ bởi Công ty H2L, Hàn Quốc, có kích thước khe rỗng 0,1 micromet, cho phép loại bỏ cặn lơ lửng, chất hữu cơ, kim loại nặng, các vi sinh vật gây bệnh trước khi cung cấp tới các vòi uống. Quá trình thử nghiệm trong vòng 4 tháng cho thấy các chỉ tiêu chất lượng nước như độ pH, độ đục, hàm lượng chất hữu cơ, kim loại nặng, vi sinh vật gây bệnh, vv... đều đạt tiêu chuẩn nước cấp cho ăn uống do Bộ Y tế ban hành (QCVN 01:2009/BYT).

Nhóm nghiên cứu cũng tiến hành đánh giá diễn biến chất lượng nước và lượng nước mưa có thể thu gom được theo thời gian, giải pháp tách nước mưa đợt đầu, lượng nước mưa có thể cung cấp cho các mục đích khác nhau theo diện tích thu gom, đánh giá chi phí – lợi ích của việc thu gom và sử dụng nước mưa, xây dựng các bể chứa nước mưa phục vụ nhiều mục đích tại các công trình công cộng trong thành phố.

Các tác giả cũng khuyến cáo áp dụng các giải pháp đồng bộ như thu gom, xử lý và tái sử dụng nước mưa trong đô thị theo mô hình phân tán, tăng cường lưu trữ nước mưa, thấm và bổ cập cho nguồn nước ngầm, tiết kiệm nước trong sử dụng, xử lý và tái sử dụng nước thải, để giải quyết vấn đề khan hiếm nước sạch cấp cho đô thị, suy thoái nguồn nước ngầm, đồng thời góp phần quan trọng để giảm thiểu tình trạng úng ngập trong thành phố. Kế thừa kinh nghiệm từ ngàn năm của ông cha ta trong thu gom, lưu trữ và sử dụng nước mưa, tham khảo kinh nghiệm của các nước khác và nghiên cứu, đưa ra các giải pháp phù hợp với điều kiện Việt Nam, nhóm nghiên cứu mong muốn hợp tác với các chủ đầu tư phát triển các khu đô thị mới, chính quyền các thành phố, để những giải pháp này có thể được áp dụng vào thực tiễn, thiết thực góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống ở các đô thị, phục vụ mục tiêu phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đối khí hậu.

Tiếp tục các hoạt động hợp tác, Trường Đại học Xây dựng, phối hợp cùng với Trường Đại học Tổng hợp Seoul, Hàn Quốc và Công ty ECO-PROTECH, Hàn Quốc đang triển khai mô hình pilot trình diễn công nghệ mới, Ozone hóa, xử lý nước cấp và nước thải (Dự án H.O.P.S).



Nội dung chính của dự án:

(1)   Nghiên cứu lắp đặt hệ thống xử lý nước mưa thành nước uống trực tiếp, với công nghệ khử trùng bằng Ozon. Đánh giá kết quả vận hành.

(2)   Nghiên cứu lắp đặt hệ thống xử lý nước thải của tòa nhà Thí nghiệm trường ĐHXD với công nghệ Ozon hóa. Nước thải sau xử lý có thể đạt tiêu chuẩn thải ra môi trường hoặc tái sử dụng trong tưới cây. Đánh giá kết quả vận hành.

Địa điểm lắp đặt mô hình xử lý nước mưa: trên nóc bể nước mưa hiện có, Viện KHKTMT. Mô hình xử lý nước thải: trên nóc và cạnh bể tự hoại hiện có, sau Nhà thí nghiệm 10 tầng. Cụm vòi uống nước trực tiếp cho GV và SV: sảnh tầng 1 Nhà thí nghiệm.

Nối tiếp dự án HOPS, Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, Trường ĐHXD đã phối hợp với đối tác Hàn Quốc (ĐH Quốc gia Seoul – SNU), triển khai Dự án Tăng cường năng lực về nghiên cứu nước mưa, do Cơ quan Hợp tác và Phát triển KOICA, Hàn Quốc tài trợ (Dự án S.I.R). Thời gian thực hiện Dự án: 12 tháng (2/2015 – 2/2016).



Mục tiêu dự án:

(1)   Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng, sinh viên trường đại học.

(2)   Lắp đặt một số hệ thống thu gom nước mưa trình diễn tại các vùng kham hiếm nước sạch tại Việt Nam. Hướng dẫn, bồi dưỡng kỹ năng cho cư dân về công nghệ thu gom, xử lý, cách thức sử dụng nước mưa. Quan trắc chất lượng và số lượng nước mưa tại các khu vực đã được lắp đặt hệ thống nước mưa tại Việt Nam.

(3)   Tăng cường năng lực nghiên cứu và giảng dạy về sử dụng nước bền vững.

(4)   Tăng cường quan hệ hợp tác chuyên môn giữa SNU và Đại học Xây dựng Hà Nội, cũng như các đối tác khác tham gia dự án.

Các nội dung chính của Dự án:

(1)   Lồng ghép nội dung thu gom nước mưa vào các hoạt động đào tạo, nghiên cứu ở Trường Đại học Xây dựng, Việt Nam.

(2)   Thực hiện các mô hình trình diễn ở Nhà trường về thu gom nước mưa. Mua sắm, trang bị các thiết bị phân tích, quan trắc nước mưa cần thiết phục vụ nghiên cứu.

(3)   Nghiên cứu, lựa chọn, nâng cấp một số hệ thống thu gom nước mưa hiện có tại các vùng khan hiếm nước sạch.

(4)   Quan trắc các hệ thống nước mưa đã được lắp đặt bởi các sinh viên Đại học Quốc gia Seoul (dự kiến tại xã Cự Khê, huyện Kim Bảng, Hà Nam và xã Sử Pán, Sapa, Lào Cai), với tần suất 2 tháng một lần. Khảo sát, đánh giá sự thay đổi nhận thức, tổ chức tập huấn cho người dân quản lý hệ thống nước mưa một cách đúng đắn.

(5)   Lắp đặt một số hệ thống thu gom nước mưa, với tổng dung tích 30 m3 cho một số trường học, trung tâm y tế, thực hiện quan trắc hoạt động của hệ thống.

(6)   Tổ chức các chương trình tình nguyện lắp đặt hệ thống nước mưa và trao đổi khoa học giữa cán bộ, sinh viên Hàn Quốc và Việt Nam.

(7)   Tổ chức các chuyến đi dự, báo cáo kết quả nghiên cứu ở một số Hội nghị, Hội thảo quốc tế có liên quan.

Viện KHKTMT cũng kết nối dự án này với các hoạt động nghiên cứu đang triển khai tại Trường ĐHXD về Mái nhà Xanh, Công trình Xanh, Thu hồi tài nguyên và Phát triển đô thị bền vững, ….

Đây là một dự án có nhiều điều kiện ưu đãi, là cơ hội tốt để Viện KHKTMT cũng như Khoa KTMT, Trường Đại học Xây dựng nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường năng lực chuyên môn, hội nhập quốc tế, cũng như nâng cao vị thế của mình và phát huy vai trò, trách nhiệm với cộng đồng.
Theo tinnhanhmoitruong.vn
Thành phố Buôn Ma Thuột
27oC
Độ ẩm: 88%C
Tốc độ gió: 9 km/hkm/h
v
Công ty Cổ Phần Đô thị & Môi trường Đắk Lắk
Địa chỉ : 01 Đào Duy Từ - P.Thống Nhất - TP.Buôn Ma Thuột - Tỉnh Đắk Lắk
Điện thoại : 05003.816886 - 05003.856522 . Fax : 05003.816886 - 05003.856522
Email : vipsmubmt@dng.vnn.vn
Công ty cổ phần Đô thị & Môi trường Đắk Lắk
Địa chỉ : 01 Đào Duy Từ - P.Thống Nhất - TP.Buôn Ma Thuột - Tỉnh Đắk Lắk
Điện thoại : 0262.3816886 - Fax: 0262.3816886
Email : dakurenco@moitruongdothidaklak.com.vn
Hotline1: 0849.890.333
Hotline 2: 0845.814.333
Hot line 3: 0847.401.222
Trung tâm Công nghệ & Dịch vụ Nội dung - VNPT Đắk Lắk