Tin tức chi tiết

TIN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ
30 tác nhân gây ô nhiễm không khí trong nhà
Có khoảng 30 tác nhân hoá học gây ô nhiễm trong nhà và rất nhiều trong số đó nằm trong danh sách các chất gây ung thư của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Trong vài năm qua, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng không khí trong nhà có thể ô nhiễm nghiêm trọng hơn không khí ngoài trời ngay cả các thành phố lớn nhất là các khu công nghiệp.
Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng con người dành khoảng 90% thời gian của họ ở trong nhà. Vì vậy, đối với nhiều người, những rủi ro đối với sức khỏe do tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong nhà có thể cao hơn so với ngoài trời.
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, mức độ ô nhiễm không khí trong nhà thường cao gấp 2 đến 5 lần so với ở ngoài trời. Những chất gây ô nhiễm không khí trong nhà bao gồm khói, khí ga, bụi và các chất gây ô nhiễm khác. Những chất độc hại này thường được sinh ra từ các thiết bị hiện đại trong nhà, như điều hòa, tủ lạnh, bếp ga, v.v…
China News Service dẫn nguồn tin từ Trung tâm Kiểm soát&Phòng ngừa Bệnh dịch Trung Quốc công bố một báo cáo cho thấy mức độ ô nhiễm không khí trong nhà trên cả nước cao gấp 5-10 lần so với không khí ngoài trời.
Theo một cơ quan điều tra tình trạng ô nhiễm trong nhà của Pháp, trong tổng số 90 căn hộ và chín trường học tại vùng Marseille và Strasbourg được điều tra thì tình trạng ô nhiễm tại những nơi này còn cao hơn cả ngoài đường vào những giờ bình thường. Ngoài những tác nhân gây ô nhiễm từ bên ngoài lọt vào, có những tác nhân ô nhiễm đặc trưng của gia đình. Một số tác nhân còn được cảm nhận một cách hiển nhiên về mặt vật lý: đó là những sợi khoáng chất từ vải vóc, len dạ hoặc từ các chất trét tường dùng để chống ẩm. Một số tác nhân khác có nguồn gốc sinh học như các loại nấm mốc và các chất dễ gây dị ứng phát ra từ các vật nuôi trong nhà, hay những loại sâu bọ, gián... Các loại này thường khó nhìn thấy trong không khí nhưng về mặt hoá học thì có: chúng thường xuất hiện trong khí đốt của máy sưởi ấm nhà, hoặc trên những miếng dùng để nướng đồ ăn, khói thuốc lá, mùi sơn tường, mùi cồn, vécni...
Trong số các tác nhân hoá học gây ô nhiễm, một số chất đặc biệt nguy hiểm có chứa trong nhiều loại sản phẩm khác nhau trong gia đình. Chúng có nét chung là đều bốc ra mùi hương. Ngoài các loại nước hoa xịt phong, hương hoa trồng trong nhà, còn có mùi của gỗ mới, mùi mực bút viết, mùi cồn... Tổng cộng có khoảng 30 tác nhân hoá học gây ô nhiễm trong nhà. Rất nhiều trong số đó nằm trong danh sách các chất gây ung thư của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đó là các chất benzen, trichlorethylene, tetrachlorethylên, và formandehit.
Chất benzen bắt nguồn từ khói thuốc lá, khí thải gia đình, các loại sơn, vật liệu xây dựng hay vật liệu trang trí. Kết quả là tình trạng ô nhiễm benzen trong không khí ở 90 gia đình nêu trên cao hơn bên ngoài 1,5 lần. Hàm lượng của nó trong 10% các trường hợp kiểm tra vượt quá 5 mg/m3. Theo WHO, thì chỉ cần hàm lượng 1,67 mg benzen/m3 không khí đủ để gây ra một ca bệnh ung thư trong tổng số 10.000 ca. Tuy nguy cơ không cao, nhưng cùng với các tác nhân ô nhiễm khác thì mối nguy hiểm này không hề nhỏ cho sức khoẻ những người trong gia đình.
Chất trichlorethylene thoát ra từ các loại sơn, vecni, cồn và các sản phẩm tẩy mỡ. Chất này cũng vượt quá mức độ cho phép. Chín trong tổng số 90 căn hộ có tỷ lệ trichlorethylene vượt quá 2,33 mg/m3 không khí, mức độ mà theo WHO có thể gây ung thư cho 1/100.000 trường hợp. Đặc biệt trong một căn nhà, tỷ lệ này lên đến 106 mg/m3.
Tetrachlorethylene là chất đặc trưng của các sản phẩm tẩy rửa dùng trong gia đình. Các nhà khoa học cũng nhận thấy, mặc dù hàm lượng chất này thấp hơn mức cho phép của WHO từ 3 – 4 lần (của WHO là 250 mg/m3 không khí), nhưng hàm lượng đo được trong các căn hộ này luôn cao hơn từ 1,4 – 1,7 lần so với môi trường bên ngoài.
Còn chất formandehit thì chỉ cần đảo qua mắt và hít hít cái mũi là đủ cảm nhận được nó trong những ngôi nhà được viếng thăm. Chất này có thể thoát ra từ các loại gỗ lâu năm, ván lót sàn nhà, keo dán gỗ, giấy lót nền hay giấy dán tường. Nó cũng có thể toát ra từ các loài sơn tường mà nó được sử dụng như chất chống dung môi, các loại dầu gội đầu, mỹ phẩm trong đó formandehit được sử dụng để bảo quản sản phẩm, các loại vải cotton... WHO khuyến cáo mức cho phép đối với formandehit là không vượt quá 100 mg/m3 và thời gian hít phải chất này không được vượt quá 30 phút. Mặc dù hàm lượng chất này trong các căn hộ điều tra thấp hơn (2 – 75 mg/m3 không khí) nhưng họ không hít chúng trong 30 phút mà là cả đời!
Gia tăng bệnh nghẹt phổi mãn tính
Ngay cả nhân viên văn phòng với hầu hết thời gian trong nhà cũng không tránh khỏi việc bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí. Máy sưởi, máy làm mát, và các hệ thống thông gió, cũng là một phần nhỏ trong những nguyên nhân của chất lượng không khí thấp tại các văn phòng.
Theo TS Nguyễn Đình Hòe và các đồng nghiệp từng nghiên cứu ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người, trường Đại học khoa học Tự nhiên Hà Nội, khoảng 20% số người sống và làm việc trong căn phòng "hiện đại" có triệu chứng điển hình của hội chứng nhà cao tầng (Sick Building Syndrom). Có người bị hội chứng hay buồn ngủ, nhức đầu, tắc mũi, mắt khô, da khô, đôi khi chảy nước mắt, tâm lý không ổn định. Hội chứng này sẽ chóng hết nếu khi rời phòng kín tòa nhà cao tầng khoảng 2 đến 3 tiếng và có thể hết hẳn sau kỳ nghỉ cuối tuần nơi thoáng đãng, nhưng vài giờ sau khi ở trong phòng kín, các triệu chứng sẽ trở lại.
Những người thường xuyên tiếp xúc với các chất formaldehyde (HCHO), benzen (C6H6), ammonia (NH3) và radon (Rn) có thể mắc các bệnh ở đường hô hấp, ung thư, giảm khả năng hoạt động trí óc. Bào thai, trẻ em và người già là những đối tượng dễ mắc bệnh nhất – theo AFP.
Thống kê hiện nay số người mắc bệnh nghẹt phổi mãn tính (COPD) ngày càng gia tăng. Những người dễ bị mắc nhất bao gồm người trẻ, người già, và những người mắc bệnh kinh niên, bệnh đường hô hấp và tim mạch hoặc tình trạng sức khỏe mãn tính khác. Nhóm người này dành đa phần thời gian ở trong nhà.
Ô nhiễm không khí trong nhà gây nên những hội chứng xấu ở đường hô hấp và nhiều bệnh khác và cho rằng, hàng triệu người tử vong mỗi năm có liên quan đến những căn bệnh này, đặc biệt là trẻ em dưới năm tuổi.
Những loài cây hấp thu khí độc trong nhà
Thiết mộc lan và ngũ gia bì là những loài cây đẹp và hấp thu được chất độc, vừa được các nhà khoa học Đại học Lâm nghiệp nghiên cứu chứng minh tác dụng và khuyên trồng trong nhà.
Tiến sĩ Phùng Văn Khoa cùng thạc sĩ Bùi Văn Năng và thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hảo thực hiện nghiên cứu sử dụng cây xanh hấp thu khí độc cho rằng, ba loài cây hấp thu khí toluene cao nhất trong 20 cây khảo sát là thiết mộc lan, ngũ gia bì và dương xỉ thường.
Trong thử nghiệm 72 giờ tiếp xúc, thiết mộc lan hấp thu 2,7µg/cm2 (đơn vị diện tích lá), ngũ gia bì hấp thu 1,20µg/cm2, cây cồ nốc hoa đầu hấp thu 1,00µg/cm2.
Các chuyên gia khuyên, khi trồng cây nên có mật độ phù hợp để có tác dụng cao. Ví dụ, nhà khoảng 10 m2 nên trồng 2 - 3 cây, trong đó nên có một cây cao khoảng một mét và đường kính tán 0,5 m, còn một cây nhỏ hơn đặt gần nơi ngồi làm việc. Bởi các nghiên cứu đã chứng minh, khi để cây gần người sẽ giúp thư giãn và tăng hiệu suất làm việc. Trên bàn làm việc có cây xanh nhỏ không những giúp hấp thu khí ô nhiễm mà còn giúp phát huy tính sáng tạo, khả năng tập trung cao hơn.
Đến Tết, các gia đình sắm các đồ nội thất như bàn ghế, tủ, hay thảm mới... nên đặt thêm ba loài cây trên trong nhà để giúp cải thiện chất lượng không khí. Hằng tuần mọi người nên đưa cây ra ngoài trời trong khoảng một ngày để cây hấp thu ánh sáng giúp cây sinh trưởng tốt.

Những nguồn ô nhiễm trong nhà
Thảm mới. Vật liệu làm thảm có thể sinh ra một loạt các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) có hại cho sức khỏe. Vì thế, khi mua thảm về, nên phơi ở ngoài trời vài ngày rồi mới đưa vào dùng. Khi bắt đầu dùng, thường xuyên mở cửa sổ và bật quạt 2-3 ngày liên tục.
Bòng đèn tiết kiệm điện hỏng. Nếu vỡ ra, đèn compact huỳnh quang có thể phát ra thủy ngân, một chất độc hại đối với thần kinh dù chỉ với số lượng nhỏ thoát vào không khí. Vì thế, dù là đèn tiết kiệm điện, không nên để ở vị trí dễ vỡ, đặc biệt là nhà có trẻ em hoặc phụ nữ mang thai. Một khi đèn hỏng, mở cửa sổ để nhà thông thoáng 15 phút.
Sản phẩm điện tử và sản phẩm nhựa mới. Sản phẩm được làm bằng polyvinyl clorua có thể phát ra phthalates, chất có liên quan đến sự bất thường nội tiết tố và các vấn đề sinh sản. Riêng sản phẩm có lớp chống cháy có liên quan đến loại hóa chất tạo ra những thay đổi về hành vi do hệ thần kinh kiểm soát trong các nghiên cứu trên động vật. Giải pháp cho vấn đề này là bật thông gió cho đến khi mất mùi hóa chất. Thường xuyên hút bụi quanh máy vi tính, máy in và tivi.
Keo và chất kết dính. Chúng có thể phát ra các chất VOC chẳng hạn như acetone có thể gây kích ứng mắt và ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh. Cao su ximăng có thể chứa n-hexane, một chất độc thần kinh. Chất kết dính còn có thể phát ra formaldehyde độc hại. Do vậy, khi dùng keo, tìm loại không chứa formaldehyde và nên làm việc trong một không gian thông thoáng.
Thiết bị nhiệt (bếp gas, máy sưởi, lò sưởi, ống khói). Thiết bị nhiệt, đặc biệt là bếp gas, có thể tạo ra khí carbon monoxide gây ra nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, và thậm chí tử vong nếu không được thông gió đúng cách. Nó cũng có thể phát ra khí nitơ và các hạt bụi gây ra vấn đề hô hấp và viêm mắt, mũi, viêm họng. Để khắc phục điều này, nên làm vệ sinh, bảo dưỡng, kiểm tra thiết bị định kỳ.
Sơn. Sơn cao su cải tiến hơn nhiều so với sơn dầu bởi vì chúng tạo ra ít hóa chất hơn. Nhưng khi khô, mọi loại sơn có thể phát ra hợp chất hữu cơ dễ bay hơi VOC gây ra nhức đầu, buồn nôn hay chóng mặt. Các sản phẩm như tẩy sơn, tẩy chất dính và sơn dạng bình xịt cũng có thể chứa methylene chloride, là chất gây ra ung thư ở động vật. Với nhà có sơn mới, nên mở cửa sổ hoặc cửa ra vào, bật quạt thông gió, đeo khẩu trang khi sơn.
Ghế bọc nệm và các sản phẩm ép gỗ. Khi mới, nhiều đồ nội thất và sản phẩm gỗ có thể phát ra formaldehyde, một chất có thể gây ung thư đồng thời gây kích ứng mắt, mũi, họng, khiến hơi thở khò khè và ho, mệt mỏi, phát ban da và các phản ứng dị ứng nghiêm trọng. “Mẹo” tránh là tăng thông gió, đặc biệt là khi lắp đồ mới vào phòng.
Theo vea.gov.vn
Thành phố Buôn Ma Thuột
26oC
Độ ẩm: 73%C
Tốc độ gió: 7 km/giờkm/h
v
Công ty Cổ Phần Đô thị & Môi trường Đắk Lắk
Địa chỉ : 01 Đào Duy Từ - P.Thống Nhất - TP.Buôn Ma Thuột - Tỉnh Đắk Lắk
Điện thoại : 05003.816886 - 05003.856522 . Fax : 05003.816886 - 05003.856522
Email : vipsmubmt@dng.vnn.vn
Công ty cổ phần Đô thị & Môi trường Đắk Lắk
Địa chỉ : 01 Đào Duy Từ - P.Thống Nhất - TP.Buôn Ma Thuột - Tỉnh Đắk Lắk
Điện thoại : 0262.3816886 - Fax: 0262.3816886
Email : dakurenco@moitruongdothidaklak.com.vn
Hotline1: 0849.890.333
Hotline 2: 0845.814.333
Hot line 3: 0847.401.222
Trung tâm Công nghệ & Dịch vụ Nội dung - VNPT Đắk Lắk